[GÁC VĂN - NGUYỄN MINH CHÂU & CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA]

BÀI VIẾT VỀ NGUYỄN MINH CHÂU - CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA

Những ngày sau năm 1975, hơn ai hết, nhà văn Nguyễn Minh Châu là người thực sự thấu hiểu tình hình văn nghệ lúc này. Ngay trong bài báo Hòa đồng cùng nhân loại, người mạnh dạn đặt bút viết: Cuộc thoát xác đầy đau đớn, đầy cực nhọc này liệu chúng ta có thể làm được hay chỉ làm hình thức, làm cho có vẻ, và mãi mãi Việt Nam vẫn chỉ là một con ngài nằm khoanh tròn trong chiếc kén, đầy bưng bít, để gặm nhấm đồng thời cả tinh thần tự ti và sự kiêu ngạo. Và chính người cũng đã chiến thắng sự cực nhọc và đau đớn ấy, vươn đến một cuộc thay máu của văn nghệ nước nhà, người đã âm thầm tự vượt lên chính mình, nỗ lực đưa văn chương trở về với đời sống để có những trang viết xác thực, đa dạng và cận nhân tình hơn (Nguyễn Minh Châu - một giọng văn nhiều trắc ẩn)

Trở thành một cây bút tiên phong nêu cao luận đề : Hãy cất lời ai điếu cho một nền văn nghệ minh họa!, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã miệt mài bắt tay vào cuộc đời của những con chữ sau thời chiến. Những ngày tháng đó, nhà văn tự âm thầm tự vượt lên chính mình, tự đưa mình thoát khỏi những hẹp hòi, hạn chế của nền văn học khối mảng trước năm 1975. Và hơn hết, là nhà văn đã thực sự đưa văn chương tịnh tiến đến bên ngọn lửa sôi sục của cuộc đời, lấy cuộc đời làm thứ mực viết nên từng trang văn. Những trang viết của nhà văn lúc này như hạt nảy mầm trên đất cày văn chương, xác thực, đa dạng và cận nhân tình hơn. Nhận định như một sự đánh giá bao quát về vai trò tiên phong, quan trọng của Nguyễn Minh Châu trong giai đoạn văn nghệ đổi mới.

   Tôi biết đến nhà văn trong những ghi chép tủn mủn : một người từ lúc nhỏ đã là một thằng bé rụt rè và vô cùng nhút nhát. Tôi sợ từ con chuột nhắt cho đến ma quỷ. Sau này lớn lên, đến gần sáu chục tuổi, đến một nơi đông người, tôi chỉ muốn lẻn vào một xó khuất và chỉ có như thế tôi mới cảm thấy yên ổn và bình tâm như con dế đã chui tọt vào lỗ. Thế nhưng, con người tưởng chừng rụt rè ấy lại vô cùng mạnh bạo trên luống đất văn chương. Đời văn hơn ba thập kỷ đặt bút viết, với một khối lượng tác phẩm đồ sộ, xứng đáng trở thành một hạt ngọc của nghệ thuật văn chương nước nhà. Đó là một cây bút đầy trắc ẩn, với những suy tư, chiêm nghiệm sâu sắc, một ngòi bút đi đến tầng vỉa sau cùng của cái sau cùng.

   Hơn một lần trong hành trình cầm bút nhọc nhằn của mình, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã ôm lấy giấc mộng của một gã nông mỏi mong khai tìm một thứ đất màu mỡ nào đó trên thửa ruộng loài người. Đó là những ngày nhà văn mệt nhọc trên con đường “tự cởi trói mình”, “tự cởi trói cho một nền văn học đương tại”. Viết Chiếc thuyền ngoài xa vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, nhà văn đã gửi một chút suy tư, một chút chiêm nghiệm về cuộc đời và trang viết. Giữa những ngã tư và những cột đèn, người lặng lẽ tìm một thứ còn ẩn giấu trong lớp bề mặt hiện thực, để phần nào thắp lên những ý niệm mở đường cho một cuộc lột xác của văn nghệ.

   Âm thầm vượt lên chính mình - có lẽ đây là điều mà độc giả phải ghi nhận ở nhà văn. Bất kỳ một người nghệ sĩ nào khi đặt bút viết, anh ta phải là kẻ bản lĩnh, không chỉ là bản lĩnh trong việc nhìn nhận cuộc đời như nó vốn có, mà là nhìn nhận chính bản thân mình một cách chân thực nhất. Đó là khi nhà văn phải ý thức được những giới hạn của chính mình, để vượt lên, để thay đổi, nói cách khác, là để phủ định chính mình. Âm thầm vượt lên chính mình, nhà văn còn phải tự phủ định những gì anh ta đã viết, để viết một điều gì mới hơn, sâu sắc hơn, bằng một quan niệm, một tư tưởng vững vàng hơn. Ở Nguyễn Minh Châu, người ta thấy cả những điều ấy.

   Những ngày đầu cầm bút, khi đất nước còn trong không khí sôi nổi, rạo rực của khói lửa chiến tranh, nhà văn góp mặt với những tác phẩm xoáy sâu vào vấn đề mang tính dân tộc, với một khát vọng mãnh liệt với cuộc đời, pha lấy cái nét sử thi và cảm hứng lãng mạn. Người ta bắt gặp cuộc tình lãng mạn, đầy cao thượng của một người lính lái xe với một cô gái đẹp một cách hoàn mĩ, như một ánh trăng tròn trong Mảnh trăng cuối rừng. Người ta bắt gặp một anh quân dân đầy khí phách ôm lấy mảnh bom vì lá cờ đỏ máu của dân tộc trong Sau lời nhắc nhở, anh ôm lấy thần chết như hôn lên đôi môi của người con gái đời mình. Thực là một nét tao nhã, lãng mạn trong thời chiến. Tuy nhiên, tính lãng mạn của các hình tượng nhân vật trong truyện được nhà văn đem đối lập với thói thị dân phàm tục. Nhà văn dứt khoát không chấp nhận những thói tật đó, dù chúng xuất hiện dưới dạng những đám đông vô bản sắc, ngu độn hay dưới dạng một thiếu phụ tân thời, “mô đéc”. Mà trong tác phẩm, đó là niềm tin bất khả chiến thắng của cái đẹp tinh thần, của cái thiện đã được khúc xạ ở chỗ nhà văn đã  “tắm rửa sạch sẽ” các nhân vật của mình, họ giống như được bao bọc trong một bầu không khí vô trùng.

   Những ngày sau giải phóng, khi đất nước chính thức bước vào thời bình, hoàn cảnh xã hội chuyển biến một cách rõ rệt. Dư chấn chiến tranh vẫn còn để lại, những ẩn uất vẫn còn âm ỉ trong tâm thức của những con người thế hệ, nhà văn lại bắt đầu vào một cuộc đấu tranh khác. Cuộc đấu tranh này không có tiếng súng đạn, không có bom rơi, không có tiếng than khóc, nó là cuộc đấu tranh thậm chí còn khốc liệt hơn: một cuộc đấu tranh bên trong, như một cuộc khai vỡ tinh thần. Người đã tự phủ định chính mình, tự khai tử cho nền nghệ thuật thời chiến mình đã theo đuổi, để đi về lối đời tư, thế sự. Vậy nên, những trang viết của nhà văn lúc này luôn khiến người ta phải nín thở vì những tình tiết rất đời của nó. Là một con người đã từng đi đến không biết bao nhiêu là xó xỉnh trên trái đất, nhưng đến cái giờ phút cuối cùng của cuộc đời mình, khi lâm bệnh nặng, lại mới nhận rằng: cái bãi bồi bên kia sông ngay trước cửa sổ nhà mình là một thế giới mà mình chưa bao giờ đặt chân đến (Bến quê), là một người lính sống mãi trong cảm thức lỗi lầm và niềm hối hận vì một bức tranh đã lấy đi đôi mắt của một người mẹ già thương con mỏi mệt, lấy đi một cuộc gặp gỡ cao thượng tình mẫu tử thiêng liêng (Bức tranh), và là câu chuyện của những giông bão đời thường, những nghịch lý của một người đàn bà quyết không chấp nhận giải pháp ly hôn, chỉ để sống chung với một người chồng bạo hành chính mình (Chiếc thuyền ngoài xa). Như vậy, điều đầu tiên là nhà văn đã vượt lên chính mình.

   Tuy nhiên, bất cứ một sự vượt lên chính mình nào cũng có những giới hạn của riêng nó. Điều chúng ta nhìn nhận ở một đời văn là quá trình anh ta ngày càng trưởng thành hơn trong ý thức nghệ thuật, trong những tư tưởng về nhân sinh. Ta hiểu rằng, câu chuyện một nhà văn vượt lên chính mình không hề giản đơn là câu chuyện của ngày một ngày hai, mà nó là một quá trình âm thầm, một quá trình nhà văn chưng cất, trải nghiệm để mọi thứ được tích lũy đến độ chín. Và quá trình ấy cũng không thể nào tránh khỏi những hạn chế nhất định. Ở Nguyễn Minh Châu, tôi thấy rằng: Mặc dù nhà văn đã có ý thức thay đổi hoàn toàn quan niệm nghệ thuật của mình, tự phủ định lại chính mình, tự phủ định lại quá khứ của mình, nhưng ở những tác phẩm ông viết sau năm 1975 vẫn không thể giấu giếm đi nét bỡ ngỡ mơ hồ của một người vừa mới thay máu. Quả thật, nói như nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh, nhà văn đã có những cách nhìn rất gần gũi, rất nhân văn, nhưng đôi khi lại chưa đi đến cái tận cùng. Có lẽ nhà văn mới chỉ bản lĩnh tìm ra chủ đề, nhưng chưa đủ dũng khí để vạch ra cốt lõi của chủ đề đó. Dù gì thì những hạn chế này cũng chỉ là những mặt nhỏ, và điều ta cần nhìn nhận ở nhà văn là thái độ vượt lên chính mình một cách quyết liệt và sôi nổi.

   Vượt qua những giới hạn của bản thân, là một người nghệ sĩ, anh ta phải thấu hiểu cốt lõi của nghệ thuật chân chính không phải là một sự né tránh thực tại để bay bổng trong thế giới của hư vô. Cuộc đời luôn tự phát ra những tiếng nói âm ỉ của chính nó, và người nghệ sĩ là người lắng nghe, ghi chép, diễn giải lại những thứ âm thanh mà người thường không nghe thấy. Anh ta đưa trang viết lại gần với đời thường, tốc kí những câu chuyện giăng mắc trong thực tại ngổn ngang này. Anh ta gửi gắm vào đó một lá thư, một lời tâm niệm, một sự khẩn cầu, một tia hy vọng, với tất cả tấm lòng và tư tưởng của một đời văn chân chính. Chỉ có như thế, tác phẩm của anh ta mới thực sự thành công và gây tiếng vang trong văn đàn nhân loại. Một trang viết xác thực và đa dạng !

   Chính vì những nỗ lực đưa văn chương trở về với đời sống, nhà văn Nguyễn Minh Châu, bấy giờ, đã chạm đến được những bản chất thực sự của cuộc sống con người thời hậu chiến. Phóng chiếu những cái nhìn sâu hơn về cuộc đời, nhà văn có lẽ nhận ra một thứ hiện thực vốn dĩ đa chiều, đa đoan mà con người đang phải đối diện. Cuộc sống lúc này hiện lên không phải là một bức tranh mang tính minh họa của thời trước, nó là một hỗn số hỗn độn chưa có lời giải đáp. Đa chiều, đa đoan thì đâu thể tránh khỏi những nghịch lý? Câu chuyện về gia đình người đàn bà hàng chài, mà cụ thể là người đàn bà vùng biển kệch cỡm ấy là một minh chứng rõ thấy nhất. Một nghịch lý được diễn giải, rằng, tại sao người đàn bà kia vẫn chấp nhận sống chung với một gã đàn ông bạo hành chính mình? Chấp nhận những đòn roi, hay chăng, bà ta xem đòn roi là một phần không thể thiếu trong sự sống của mình? Nghịch lý thay, ở cái giây phút mà mọi chuyện đều có khả năng làm sáng tỏ trước công lý, trước diễn ngôn đạo đức, lề lối của luật pháp, thì người ta lại khăng khăng tỏ ra chấp nhận, cam chịu, và không thể tự dứt mình ra khỏi những đau đớn ấy. Nhà văn phát hiện ra cuộc đời này còn lắm dấu hỏi treo lơ lửng, mà nói như Hoàng Cầm, đó là “những câu hỏi muôn đời không nói năng”.

Ở một góc độ khác, thì chúng ta phải chấp nhận một sự thật rằng, người ta không thể nào dễ dàng dứt bỏ một thói quen, một tập quán ổn định để kiếm tìm một sự thay đổi. Cũng giống như khi lão Khúng (trong truyện ngắn Phiên Chợ Giát) động lòng thả con bò về với rừng, tháo gỡ những gông cùm để cho nó có một cuộc sống thực sự tự do trong những ngày cuối đời, thì trớ trêu thay, nó lại chui tọt vào chuồng, chấp nhận mang lưỡi cày nặng nhọc. Với nó, hạnh phúc là được kéo cày, hạnh phúc là được lao động, là bất tự do như thế. Có lẽ vì con người thời hậu chiến mang nặng cảm thức hoài nghi. Họ sợ một sự đổi thay, hay vì họ sợ rằng sau khi thay đổi, cuộc sống của họ còn khủng hoảng và khó thích nghi hơn cả đương tại. Nguyễn Minh Châu đã dừng chân tại một “chiếc thuyền” ngoài xa thẳm, để ngóng vọng nên câu chuyện về bản chất của cuộc đời. Muôn mặt, khó hiểu, đầy khuất lấp. Đa đoan, đa sự, lắm truân chuyên. Con người sống trong những ràng buộc cố định, hoặc giả, họ cũng tự ràng buộc mình vào một chiếc cột vô hình, và chấp nhận tồn tại trong sự bất tự do. Con người có những nỗi niềm giấu kín gì chăng? Vậy mới nói, những ý niệm lúc này chảy trôi trong tâm thức nghệ sĩ không còn vang vọng những tiếng súng hay lời kêu gọi, mà nó là một tiếng thở dài về những kiếp sống, là một trạng thái hoang mang tự ngã, bất lực trước cuộc đời. Chiếc thuyền ngoài xa khiến chúng ta phải ngẫm nghĩ hơn về một thực tại đầy ngổn ngang, khốc liệt, với những sự thật biết nói và biết khóc.

   Không một tác phẩm nào mà không chứa lấy tấm lòng của nhà văn. Có một thi hào già người Nga đã mãi chắt chiu từng sợi tơ lòng mà gắm gửi vào từng con chữ. Phút giây cuối cùng của cuộc đời, người ôm lấy những bản thảo thơ của mình vào lòng. “Tôi đang ôm lấy đời mình, ôm lấy những mảnh vỡ của tấm lòng tôi viết, tôi viết mấy mươi năm qua”, người chia sẻ. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng từng trò chuyện: “Tôi nghĩ đó là chuyến đi quan trọng nhất với một người cầm bút. Nếu nhà văn sống thật sâu với cái hiện thực mà anh ta nhúng mình trong đó, sống tận cùng với những cảm xúc anh ta nếm trải khi phản ứng với thế giới chung quanh, anh ta sẽ tích lũy được những chất liệu phong phú và có được gợi ý tuyệt vời cho trang viết”. Mỗi một trang viết là một tấm lòng. Và khi trang viết ấy tiến sát đến cuộc đời, thì những gì nhà văn viết kì thực “cận nhân tình” hơn.

   Câu chuyện về gia đình người đàn bà làng chài chỉ là một trong số những câu chuyện còn ngổn ngang, rải rác trên khắp đất nước này tại thời điểm đó. Những dư chấn của chiến tranh, những áp lực mưu sinh đè lên đôi vai của họ. Nhà văn đã dừng chân tại một vùng biển, không chỉ để anh ta nghe lấy tiếng sóng vỗ rì rào của một đất nước bình yên, không súng đạn, mà còn để anh ta nghe lấy âm vang của đời người đau khổ, bi kịch. Cũng giống như nghệ sĩ Phùng, anh ta không chỉ đứng ở bãi cát vàng thơ mộng mà ngắm nhìn ra xa thẳm một chiếc thuyền mờ ảo trong màn sương, cũng không phải chỉ để lia một vài tấm ảnh để đời thật lung linh, ảo sắc, mà cốt ở, anh ta được chứng kiến mọi thứ diễn ra trước mắt mình. Và Phùng có xúc cảm. Một kẻ đi một mình trong đêm, dưới bầu trời đầy giông bão như báo hiệu một điều gì đó sắp xảy ra, nó như phút giây của người nghệ sĩ ngẫm ngợi về cuộc đời. Mọi thứ thật cận nhân tình. Nếu ai đã đọc Bến quê, chắc hẳn chúng ta cũng có những khi nhận ra nhà văn đã nhân tình đến nhường nào khi dành ra một khoảnh khắc dù có một chút tàn nhẫn - khoảnh khắc dành cho một người bệnh tật, nhưng trong cái tàn nhẫn đó lại là một tiếng chuông thức tỉnh những thế hệ. Cận nhân tình đó là khi nhà văn để lại trong lòng những người khác bao dư ba, khiến người ta phải luôn suy ngẫm, tâm niệm. Và có người từng nói Nguyễn Minh Châu rất giống với nhà văn Chekhov của Nga, bởi lẽ từng câu từ nhà văn viết ra không khiến người ta phải hoảng hốt ngay từ những câu chữ đầu, mà khiến người ta phải cúi mặt xuống - nghĩ - và ngẩng mặt lên - sống đẹp.

   Những đối thoại, đàm luận về nhân sinh, thế sự; những câu hỏi được nhà văn treo ra lên thinh không của nghệ thuật sẽ còn ở đó những khoảng trống mà bất kì một thế hệ độc giả nào cũng có thể lấp đầy. Sự đối thoại đó hiển nhiên cần rất nhiều bản lĩnh - bản lĩnh của một kẻ tiên phong, một kẻ cách tân, sáng tạo. Dám nhìn vào tận sâu cuộc đời, đủ mạnh mẽ để chiến thắng nỗi đau và cái ác, vươn đến cái thiện mỹ - như vậy Nguyễn Minh Châu không phải đã thực trắc ẩn đấy sao? Và nhà văn nào cũng vậy. Anh ta phải liên tục đối thoại với cuộc đời. Nó không bao giờ là tĩnh lặng. Những ngày này khi cả nhân loại đang chìm trong cơn tử thần của đại dịch Covid-19, nhà văn Olga Tokarczuk - chủ nhân của giải Nobel Văn chương 2019 đã nhận ra nhiều điều. Người viết trên blog của mình: “Những ngày ở trong căn nhà kín, tôi vẫn có thể quan sát người hàng xóm của mình qua cửa sổ, một luật sư miệt mài. Dường như anh đang cố sắp xếp tất cả mọi thứ theo một trật tự. Tôi nhìn thấy một đứa trẻ đưa một con chó già mà từ mùa đông trước hầu như không thể lê bước đi dạo ngoài trời. Cuộc sống vẫn tiếp diễn. Và tôi vẫn không ngừng quan sát nó”. Ánh nhìn học thuộc của nhà văn sẽ là một chất liệu xây dựng nên một tác phẩm nghệ thuật có giá trị - vì ở đó, có bóng dáng của cuộc đời.

   Câu chuyện của Nguyễn Minh Châu đã để lại những bài học quý giá cho những người sáng tạo. Hãy đủ bản lĩnh để chiến thắng chính mình, vượt lên những phần hạn hẹp của chính mình. Hãy đủ dũng khí để đối diện với sự thật, để nhìn nhận cuộc đời một cách nhân tình và sâu sắc hơn. Hãy đừng xa rời cuộc đời, hãy xem cuộc đời là sự cứu rỗi duy nhất của một nền nghệ thuật chết. Và cả những người tiếp nhận, ta phải nhìn ra trên từng trang viết những câu hỏi mà người viết đã âm thầm để lại trên đó, và hoàn thiện bằng tất cả kinh nghiệm thẩm mĩ của mình.

Nhà thơ Chế Lan Viên khi đi đến cuối hành trình sáng tạo của mình, đã trĩu nặng nhận ra cái lẽ:

Tôi trong đau vẫn làm viên muối bể

Để mặn lòng cho những kẻ muốn vô tư.

Nguyễn Minh Châu có lẽ cũng vậy. Cả một đời văn nguyện làm viên muối bể, chắt lọc hết cái tinh túy “trăm năm của đời thảo mộc” để viết nên từng câu, từng chữ đầy triết lý, nghiệm sinh. Chiếc thuyền ngoài xa không chỉ là câu chuyện của riêng nghệ sĩ Phùng, mà còn là câu chuyện của sáng tạo của nghệ thuật, của góc nhìn cuộc sống mà thiên chức một người cầm bút cần phải có. Cái cách nghệ sĩ Phùng ngạc nhiên trước tấm ảnh lịch cuối năm khiến tôi ngờ ngợ nghĩ đến một cuộc đốn ngộ trong tâm thức của những người nghệ sĩ trên hành trình sáng tạo của mình.

 Nguồn: admin GÁC VĂN (@hsgqgnguvan) - Đặng Văn Quang, Thủ khoa Ngữ văn toàn quốc 2021

Blog Instagram: https://www.instagram.com/hsgqgnguvan/

Blog Web: https://gacvan.blogspot.com/

Vui lòng trích dẫn ghi rõ nguồn !!

 



Nhận xét

Bài đăng phổ biến