[GÁC VĂN - CHUYÊN MỤC BÀI VIẾT]
Đề:
GS. Huỳnh Như Phương từng chất vấn:
“Trong cuộc đấu tranh vì môi trường hòa hợp với con người, văn học đã làm được gì? Phải chăng văn học còn bàng quan với chuyện sống còn này?”
Anh/chị hãy viết một bài văn trả lời cho câu hỏi trên.
--------------------------------------------------
BÀI LÀM:
“Tôi là kẻ hoang dã, tôi không hiểu bất cứ một cách sống nào khác. Tôi đã chứng kiến cả ngàn con trâu rừng bị chết dần chết mòn trên những cánh đồng trơ trọi vì bị người da trắng bắn mỗi khi có đoàn tàu chạy qua. Tôi là kẻ hoang dã, tôi không hiểu nổi tại sao một con ngựa sắt nhả khói lại quan trọng hơn nhiều con trâu rừng mà chúng tôi chỉ giết để duy trì cuộc sống. Con người là gì, nếu cuộc sống thiếu những con thú ?…”
Đó là những lời đáp trả đanh thép của thủ lĩnh Seattle trong bức thư trả lời tổng thống Franklin Pierce - vị tổng thống thứ 14 của Hoa Kỳ khi ông ngỏ ý muốn mua đất của người da đỏ. Văn minh quả thật đã đưa nhân loại tiến xa, nào là những gã khổng lồ sắt được phóng lên vũ trụ, nào là những con ngựa sắt nhả khói khắp nơi trên hành tinh này. Nhưng trong cuộc đua văn minh ấy, con người đã đối xử với môi trường như thế nào? Nhân loại có còn mặc định: “Tôi là kẻ hoang dã” không? Trong câu chuyện ấy, văn học đã ở đâu? Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần bình tâm để suy ngẫm và trả lời cho câu hỏi chất vấn của GS. Huỳnh Như Phương: “Trong cuộc đấu tranh vì môi trường hòa hợp với con người, văn học đã làm được gì? Phải chăng văn học còn bàng quan với chuyện sống còn này?”
“Bàng quan”, nghĩa là không để tâm, là đứng ngoài, xem mình như một tồn tại ngoài cuộc. Văn học, như GS. Huỳnh Như Phương đề cập, phải bước vào một cuộc đấu tranh lớn vì lẽ sống còn - “cuộc đấu tranh vì môi trường hòa hợp với con người”, vì sự gắn kết giữa cuộc sống nhân quần và thế giới tự nhiên. Vậy trong cuộc đấu tranh ấy, văn học đã làm được gì? Văn học đã cất tiếng như thế nào? Văn học liệu có đang bàng quan hay không với chuyện sống còn này? Lời chất vấn của GS. Huỳnh Như Phương như vậy đã chạm đến vai trò, sứ mệnh, vị thế của văn chương trong thời đạI mà con người đang phải đối mặt khủng hoảng môi trường.
Môi trường của nhân loại đang phải gánh chịu những tổn thương như thế nào? Không phải ngẫu nhiên mà cách đây mấy mươi năm, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều lại viết truyện ngắn “Bí mật của những đứa trẻ”. Phải chăng ở đâu đó trong cảm quan của nhà thơ là sự trỗi dậy một nỗi âu lo và tiên đoán rằng sẽ có một ngày nền kinh tế thị trường kia sẽ “độc tôn” vị thế của mình, trị vì một cách bệ vệ trong cuộc sống hiện đại này? Và khi ấy, môi trường trở thành nạn nhân của những khủng hoảng? Tôi không muốn diễn đạt ở đây những số liệu cụ thể, những con số mà ai đó đọc lên rồi cũng sẽ quên, tôi muốn chúng ta nhìn lại hai câu chuyện thực tế - theo cảm quan của tôi, để suy ngẫm nhiều hơn về thực trạng môi trường sống đương tại.
Cách đây gần hai năm, nhân loại bắt đầu có những âu lo khi những cánh rừng trong quần thể “lá phổi xanh của trái đất” - rừng Amazon bắt đầu cháy, cháy, cháy liên tiếp như thế. Những cuộc cháy rừng cứ liên miên xảy ra trong hàng tháng trời, hình ảnh của những ngọn lửa khổng lồ được thu lại trong vệ tinh khiến chúng ta phải giật mình. Và ai còn nhớ, một cô bé 16 tuổi người Thụy Điển - Greta Thunberg đã quyết định bỏ học để theo đuổi con đường vận động, lên tiếng vì môi trường, và một thiếu niên 16 tuổi như thế đã trực diện với các nguyên thủ quốc gia trong buổi họp cấp cao của Liên Hợp Quốc, khảng khái nói rằng:
- “Các ngài đã đối xử quá tệ với môi trường, với hành tinh này!”
Gần hơn, những ngày tháng 10, tháng 11 năm ngoái, ngay chính miền Trung - dải đất nhọc nhằn của chúng ta đây cũng đã gánh chịu biết bao nhiêu cơn bão, bao nhiêu trận lũ lụt. Này người, này sinh vật, này của cải, tất cả chìm trong dòng nước lũ không ngừng trôi; tất cả đang ngập lặn trong cơn thịnh nộ dữ dội của mẹ thiên nhiên. Nỗi đau Rào Trăng 3, nỗi đau của những vụ sạt lở cuốn đi một ngôi làng ở huyện Trà My, Quảng Nam; rồi nỗi đau của kẻ mất đi người thân, mất đi của cải - tất cả những điều đó dội lên trong ta một sự thức thổn rằng: Môi trường đang bị tổn thương và dường như con người đang phải trả giá!
Đứng trước thực trạng đó, văn học đã làm được gì? Văn học đã đấu tranh vì sự hòa hợp giữa nhân quần và môi trường như thế nào? Đầu tiên, cần phải khẳng định, văn học đã không bàng quan, không đứng ngoài câu chuyện này.
Văn học suy cho cùng là những câu chuyện của cuộc sống chúng ta. Trong mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời, một sự kì vọng rất chân xác rằng văn học đã không lãnh đạm trước hiện tồn, không thờ ơ trước thực trạng môi trường đương khủng hoảng. Bởi thực trạng dù có ra sao đi chăng nữa thì đó cũng là một trong những mảnh ghép của cuộc sống chúng ta, không dám đối mặt - là chúng ta đang tự trốn tránh chính mình sao? Hơn nữa, trong sứ mệnh cá nhân của mình, người viết trước hết cũng là một con người bình thường sống giữa cõi đời này. Có thể nói, những quan sát và trải nghiệm của anh ta phần nào sẽ phả vào trang viết, và như thế, anh ta chắc hẳn sẽ không bàng quan với sự ghi chép và tái hiện. Văn chương không bàng quan với chuyện sống còn này, vì còn đó những người viết. Đọc tiểu thuyết Cá hồi của Ahn Do Hyun, tôi tự hỏi, liệu phía sau hành trình hồi hương của những đàn cá hồi tìm nguồn nước ấm để sinh sản - một hành trình tưởng chừng như là một tất yếu trong sự tồn tại ấy còn ẩn dụ bao nhiêu điều khác nữa? Những con cá hồi “rẽ toang dòng nước dữ, tỏa sáng lấp lánh rồi bay vọt lên không trung”, thậm chí đau đớn hơn, có những con cá hồi “từ giã cõi nhân gian với tư thế tuẫn tiết thiêng liêng để hòa mình cùng dòng nước mẹ”. Hành trình của những con cá kia khiến tôi cứ hình dung về hành trình của con người tìm về tự nhiên, tìm về với nguồn cội khởi nguyên của tồn tại, tìm về “sự quên mất con người” (Milan Kundera) giữa trật tự tự nhiên, tìm về tiếng gọi của cân bằng sinh thái. Chừng nào văn học còn có đất cho những tác phẩm như vậy thì chừng ấy văn học vẫn không/chưa bàng quan với đời sống này!
Nếu ai quan sát và đọc những bài báo quốc tế viết về môi trường sẽ thấy có một nghịch lí thú vị rằng: Trong khoảng độ 20 năm trở lại đây, các nhà môi trường dường như đã và đang cần đến sự góp mặt của văn chương rất nhiều. Vì sao? Vì một bài báo với bao nhiêu con số, dữ kiện, hình ảnh dù có trực quan như thế nào đi chăng nữa thì người ta cũng dễ dàng quên. Văn chương khác với báo chí, khác với các loại hình truyền thông khác rằng nó không diễn đạt bằng ngôn ngữ của những khái niệm, những định lí, những ngôn từ mang tính chuyên nghiệp. Văn chương tác động sâu vào tâm thức của con người bằng ngôn ngữ của hình tượng. Khoảnh khắc đó tôi nhận ra rằng, văn chương đã không hề ưỡn mình lên vỗ tay vào ngực và giảng dạy cho chúng ta rằng, “này anh phải sống và đối xử với môi trường này như thế này”. Văn chương bao nhiêu năm qua vẫn luôn bên ta, thủ thỉ với ta, tâm tình với ta, dẫn dắt ta đi qua muôn vàn câu chuyện kể để gợi nhắc cho ai đó trước sự lãng quên và bàng quan về đời sống.
Lấy cảm hứng từ những câu thơ trong bài thơ “Người đẹp tàn nhẫn” (La Belle Dame sans Merci) của John Keats, tác giả Rachel Carson đã khôn nguôi đi tìm câu trả lời cho một câu hỏi lớn: Tại sao chim chóc đã không còn cất tiếng hót vào mùa xuân? Điều gì đã khiến cho những loài chim ấy trở nên im lặng? Viết “Silent Spring” (Mùa xuân vắng lặng), R. Carson hốt hoảng nhận ra chính thuốc trừ sâu (DDT) là nguyên nhân gây ra cái chết hàng loạt cho những loài chim trong thế giới tự nhiên này. Bà viết: “Thuốc trừ sâu như một con rắn độc, cực độc, len lỏi vào sinh thái, vào đất, vào nước. Thậm chí, con rắn ấy len lỏi vào trong cả những bào thai của người mẹ, và gặm nhấm dần đứa trẻ trước khi nó ra đời”. Điều đáng nói ở đây là gì? R. Carson là một nhà sinh học nổi tiếng, ấy vậy mà, tác giả phải mượn đến ngôn ngữ giàu tính truyền cảm của văn chương, mượn đến những hình tượng có khả năng lay động tâm hồn con người để viết ra một cuốn sách về môi trường như thế. Điều này càng thấy giá trị của văn chương trong cuộc đấu tranh vì lẽ sống còn này.
Thực ra thì nhà văn - anh ta không tự mình diễn giải tất cả mọi điều, anh ta chỉ để lại một văn bản, và những con chữ ấy thông qua sự đọc mới sống dậy. Người đọc bằng những tri thức đời sống và kinh nghiệm thẩm mĩ của mình, anh ta đi sâu vào văn bản để giải mã, khám phá, phát hiện, chất vấn về hiện tồn, về những câu hỏi mà nhà văn đặt ra, còn bỏ trống trên đó. Văn chương để lại những câu chuyện, nhưng hiểu nó, nắm bắt nó hay không lại là câu chuyện thuộc về tiếp nhận. Ở góc độ này, thiết nghĩ chúng ta hãy đừng lớn tiếng yêu cầu văn chương đã làm được gì cho con người; mà hãy tự hỏi chính mình rằng mình đã đọc những tác phẩm đó như thế nào.
Cuộc đấu tranh này tôi biết rõ, hiệu quả hay không vẫn là ở sự quyết định của người đọc…
Đặt ánh nhìn men theo chiều dài lịch sử, trở lại quá khứ, tôi nhìn thấy điều gì? Xưa, khi mới lên ngôi vua, Lí Công Uẩn đã ban hành chỉ dụ “cấm săn bắn vào mùa xuân” và đưa ra những hình phạt rất gay gắt nhằm bảo vệ sự bình yên trong sinh thái. “Mùa xuân là khí lộc của đất trời. Chim chóc khắp nơi tụ hội về đây, người và muôn thú cùng hòa hợp, vui vầy, hà cớ gì ta phải giết chúng đi? Nay ta ban chỉ dụ này rộng rãi trong dân chúng...”. Cả thời Nguyễn Trãi ấy vậy mà người vẫn còn:
“Trì tham nguyệt hiện chăng buông cá,
Rừng tiếc chim về ngại phát cây”.
Sau này, khi đọc đến Muối của rừng của Nguyễn Huy Thiệp, khoảnh khắc mà con khỉ con “giữ chặt dây súng, nó lăn xuống miệng vực không chút chần chừ”, chấp nhận một sự đánh đổi quyết liệt như thế khiến tôi giật mình. Cây súng kia là biểu tượng của văn minh, và con khỉ - một sinh thể ít kinh nghiệm đại diện cho thế giới phi nhân đã kết liễu mình cùng thứ văn minh mà con người đang kiêu hãnh thống trị. Văn minh và Tự nhiên cùng đi xuống đáy vực, phải chăng? Đó là sự khác biệt của hai thời đại, hai cách ứng xử với tự nhiên ! Tại sao trong thời đại ngày nay, khi con người càng ngày càng đi sâu vào sự khẳng định “uy quyền” của giống loài đỉnh cao này, người ta không còn gắn bó với tự nhiên như trước nữa? Và văn học ra đời, theo tôi ở góc độ này chính là cách giúp con người tự nhận thức lại chính mình, tự phản tư, tự thức tỉnh. Văn chương, có thể không đề ra chính sách, trực tiếp giải quyết được vấn nạn khủng hoảng này, nhưng nó tác động đến tư tưởng, tình cảm, thái độ của con người với môi trường sống. Rằng: “Khi bạn biết rằng một cái cây cũng biết đau, cũng có ký ức, và cây cha mẹ sống cùng con cái, thì bạn không còn có thể chặt chúng và phá vỡ cuộc sống của chúng bằng những cỗ máy to lớn nữa” – giống như tác giả Peter Wohlleben đã gửi thông điệp như vậy trong tác phẩm “Đời sống bí ẩn của cây”.
Ngày đọc lại những câu thơ trong bài thơ quen thuộc “Tiếng vọng” của Nguyễn Quang Thiều, tôi vỡ lẽ ra nhiều điều. Có những câu thơ khiến tôi day dứt mãi:
“Con chim sẻ nhỏ chết rồi
Chết trong đêm cơn bão về gần sáng
Đêm ấy tôi nằm trong chăn nghe cánh chim đập cửa
Sự ấm áp gối chăn đã giữ chặt tôi”.
Đây là một bài thơ được đưa vào giảng dạy trong chương trình SGK Tiếng Việt lớp 5. Có lẽ người ta tin rằng, những đứa trẻ cần được dạy về ý thức yêu thiên nhiên, yêu thế giới sinh vật, và sự chống lại thói vô cảm đang dần trở nên phổ biến trong đời sống con người. Nhưng hỡi ôi, ngày còn thơ ai dám nghĩ ngợi nhiều? Mãi đến bây giờ khi đọc lại những câu thơ ấy, tôi mới hiểu rằng, thiên nhiên - thế giới phi nhân ấy luôn kề cạnh bên chúng ta, thậm chí trong khoảnh khắc mà nó đang “hấp hối” - tựa cánh chim gõ cửa đêm bão khuya. Ấy vậy mà con người thật vô tình, thật hờ hững, chúng ta đang bàng quan phớt lờ đi những âm thanh đầy mỏi mệt của tự nhiên, và “ấm áp gối chăn”, những ấm no của đời sống hiện đại trở thành một sợi dây buộc chặt nhân tính của con người. “Không còn nghe tiếng cánh chim về/ Và tiếng hót mỗi sớm mai trong vắt”. Không còn nữa! Văn chương đã kể cho chúng ta nghe một câu chuyện rất giản đơn như thế trong kí ức của một cá thể, nhưng đằng sau đó, văn chương muốn đánh thức chúng ta khỏi “ấm áp gối chăn” của đời sống vật chất hiện đại này. Rằng thiên nhiên cũng có những âm thanh cần ta nghe thấy, đừng bao giờ vô tâm trước nó!
Văn chương với những ưu thế của mình đã không bàng quan trước thực trạng khủng hoảng môi trường. Thế nhưng ta cần phải hiểu rằng, ta không thể kì vọng văn chương đem đến cho nhân loại một sự thay đổi nhanh - gấp; ta không thể kì vọng văn chương phải tạo ra một cú hích dữ dội trong đời sống nhân quần, làm xáo trộn và đảo lộn tất cả. Không, hãy bình tâm, hãy hiểu rằng những tác động của văn chương tựa như một sự lay thức nhẹ, một sự vỗ khẽ vào tâm thức con người ta, và những gì văn chương muốn truyền tải: thấm dần, ngấm dần trong suy tư của mỗi con người.
Quả thật, văn chương không bàng quan với môi trường, văn chương không khước từ việc tái hiện những câu chuyện hiện tồn đang nóng hổi, nhưng dường như văn chương cũng không tránh khỏi những thách thức khi viết về vấn đề này. Và tôi nhận ra rằng, ngay trong những ưu thế tưởng chừng như là tuyệt đối của mình, văn chương cũng hé lộ không ít những hạn chế.
Ta có nhận thấy một độ chênh này? Văn chương là câu chuyện về cuộc sống, là câu chuyện ứng xử văn hóa của con người với cuộc sống. Trong ứng xử văn hóa của con người, dường như văn chương chỉ mới tập trung quá nhiều đến hai loại ứng xử chính là ứng xử với xã hội và ứng xử với chính mình. Điều này dẫn đến một hệ quả, đọc tác phẩm, người ta dễ dàng bỏ qua những tín hiệu/kí hiệu về môi trường, tự nhiên, sinh thái; người đọc cố gắng truy tìm những bức thông điệp thuộc về nhân sinh, về cõi sống. Nhưng có vẻ như ta quên rằng, cõi sống này đây, có gương mặt rất thật của tự nhiên sinh thái nữa. Một quan điểm tồn tại một cách thâm căn cố đế trong tư tưởng truyền thống mà có lẽ ta cần phản biện đó là “con người là kiểu mẫu của muôn loài”. Văn học từ xưa đến nay vẫn quen ca ngợi bao nhân vật mang vị thế chúa tể muôn loài bằng khát vọng chinh phục tự nhiên: một thần Prometheus cắp lửa cho nhân loại, một Nữ Oa vá trời lấp bể, một Đăm San đi săn tìm nữ thần mặt trời. Vậy nên ở góc độ này, văn học cũng có lỗi trong việc khiến cho trái đất ngày càng trở nên kiệt quệ. Phải chăng đã đến lúc ta cần chấm dứt tình trạng li khai hàng nghìn năm nay giữa văn hóa và tự nhiên? Phải chăng đã đến lúc ta cần xem trái đất là trung tâm? Bằng không, rồi đây thế giới sẽ trở nên khô khốc, cằn cỗi, và tồn tại của con người cũng chẳng thoát khỏi sự cáo chung.
Bên cạnh đó, hình tượng văn học lại là thứ hình tượng phi trực quan. Chính vì thế văn chương dường như không phải là lựa chọn ưu tiên của con người trong thời hiện đại. Hãy thử nghĩ xem, trong một thời đại văn hóa nghe nhìn lên ngôi như đương tại, văn học liệu có cảm giác bị tổn thương hay không khi phải luôn luôn cố gắng tìm cách để trụ vững, hoặc chí ít ra là song song tồn tại với những loại hình giải trí khác? Thật buồn, khi ít ai trong thời khủng hoảng lại cầm trên tay cuốn tiểu thuyết để đọc; trong khi đó, chỉ cần một cú nhấp chuột đã khiến người ta hình dung ra được quang cảnh của môi trường, thế giới - điều này nhanh - gọn - tiện lợi hơn rất nhiều. Bây giờ còn mấy ai thử cầm trên tay cuốn The Vegetarian (Người Ăn Chay) của Han Kang mà suy ngẫm có phải ta đã quá quen với cách nhìn đời sống này? Việc Han Kang để cho cô gái Yeong Hye cảm thấy sợ hãi khi nhìn thấy những khoanh thịt lạnh ngắt trong tủ lạnh, việc Hang Kang để cho cô gái này từ chối việc ăn thịt để tự biến cuộc sống của mình thành cuộc sống của một loài cây đã đối thoại với chúng ta rằng: Có phải ta đã quen với một thứ bạo lực đã bị bình thường hóa trong đời sống? Có phải không, khi chúng ta đang kéo dài sự sống của mình bằng việc ăn thịt - bằng việc giết đi tính mạng của những loài động vật khác trong thế giới phi nhân vốn dĩ không - có - lỗi? Vậy đấy, nhưng có mấy ai cầm cuốn sách này lên và ngẫm ngợi như thế?
Đúng là văn học không bàng quan với thực trạng sinh thái đang khủng hoảng, nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận một thực tế rằng, văn học Việt Nam dường như có quá ít những nhà văn, những tác phẩm viết về môi trường, thực sự hướng đến môi trường. Những năm trở lại đây, tôi thấy xuất hiện một khuynh hướng sáng tác gọi là khuynh hướng “viết xanh”, đây có thể coi tiền đề của văn chương sinh thái đang manh nha trong văn học nước ta. Những cây “viết xanh” lúc này nhấn mạnh vào một vấn đề trọng tâm: hiểu biết và yêu thương sinh thái mới chính là phẩm tính quý giá, là niềm hạnh phúc vĩnh viễn của con người. Vừa qua miền Trung nước ta đã phải gánh chịu những hậu quả khủng khiếp của thiên tai, và điều con người ta cần ngay lúc này chính là lắng nghe những câu chuyện. Họ kì vọng chính những câu chuyện đó sẽ giúp họ nhận thức sâu sắc hơn về môi trường. Nhưng thật sự chúng ta còn quá ít ỏi những người kể chuyện, những người có mối bận tâm sinh thái.
Lúc này tôi làm thơ tặng em
Em có nghĩ tôi là đồ vô dụng.
(Nguyễn Duy, Đánh thức tiềm lực)
Chúng ta nói quá nhiều về sứ mệnh của văn chương. Nhưng, trước nỗi đau ở miền Trung, khi cả nước đang hướng về dải đất đau thương ấy để nguyện cầu với sự sẻ chia, đùm bọc hết mức có thể, văn chương đi đâu rồi? Là một nhà văn, chúng ta nghĩ gì trên từng con chữ của mình? Liệu văn chương có ích gì trong tình thế đau đớn của hiện tại? Cuộc đấu tranh vì môi trường hòa hợp với con người này, phải chăng ta đã thất bại?
Khi những khu rừng đang biến mất, khi trái đất nóng lên từng ngày, khi con người phải đối diện với cơn giận dữ khủng khiếp từ thiên nhiên, khi dịch bệnh bùng phát ở quy mô toàn cầu, văn chương đã ở đâu? Rồi mai đây, khi tất cả những rực rỡ huy hoàng của văn minh bỗng vụt tắt, rồi nhân loại có nguy cơ bị đồng hóa vào các “hố đen”, văn chương sẽ như thế nào? Một bước tiến của văn minh, phải chăng là một bước lùi của văn hóa? Những câu hỏi như thế đã đến lúc cần được chúng ta đặt ra, truy vấn không ngừng. Các khái niệm sống xanh, kiến trúc xanh, nghiên cứu xanh, viết xanh… ra đời liệu có là “quá muộn”? Hay đó là cách duy nhất để con người hối lỗi, và cứu vãn thực trạng khủng hoảng sinh thái này…
“Tôi là kẻ hoang dã !
Tôi là kẻ hoang dã !”
Nhận xét
Đăng nhận xét