[GÁC VĂN - PHƯƠNG PHÁP VIẾT MỞ BÀI NGHỊ LUẬN VĂN HỌC]

 TỔNG HỢP PHƯƠNG PHÁP VIẾT MỞ BÀI ĐỘC ĐÁO, ẤN TƯỢNG

NGHỊ LUẬN VĂN HỌC 

 

1. Mở bài bằng dữ liệu một câu chuyện:

- Bạn có thể tham khảo câu chuyện về cuộc đời của một nhà văn, về hành trình anh ta sáng tác, về tác phẩm của anh ta. Bạn cũng có thể mượn câu chuyện về một nhân vật nào đó trong tác phẩm, một sự kiện nào đó trong đời sống văn học. Đó là những dữ liệu độc đáo giúp bạn có một mở bài gây ấn tượng.

- Yêu cầu đặt ra: 

+ Tương tự như Nghị luận xã hội, bạn cũng phải đọc nhiều, ghi chép lại, và chọn lựa dữ liệu để đưa vào mở bài.

+ Bạn phải làm chủ được ngòi bút thông qua sự “chuyển hóa linh hoạt”, chứ không phải đưa hết dữ liệu “dài” của câu chuyện đó vào. 

- Ví dụ: 

     Paustovsky đã từng lặng lẽ trong rừng thông trời đông tuyết trắng, để tìm lại “chiếc nhẫn bằng thép” mà cô bé Varyusha đã đánh mất – chiếc nhẫn quý cô bé đeo ngay tại ngón thứ tư của đôi bàn tay mình, với một niềm tin mãnh liệt: “Nếu cháu đeo vào ngón thứ tư, cháu sẽ có một niềm vui lớn”. Để rồi, chính một chi tiết nhỏ nhoi ấy, chính sự đánh mất ấy đã làm sáng lên cho cả thiên truyện một tấm lòng nhân văn sâu sắc, một tình người ấm nồng giữa rét buốt của nước Nga những thế kỉ trước. Văn học phải chăng là như vậy? [...]

2. Mở bài bằng những trích dẫn thơ, nhận định độc đáo:

- Đó là những câu thơ chứa “tinh thần lí luận”, như những ô cửa để người ta mở ra và khám phá thế giới văn chương: chẳng hạn như thơ của Lưu Quang Vũ, Nguyễn Duy, Chế Lan Viên,... Hoặc đó là những trích dẫn hay về lí luận, những nhận định giúp bạn kết nối được với ý vị của đề. 

- Yêu cầu đặt ra: 

+ Bạn phải đọc để tích lũy dữ liệu, và ghi chép lại những câu thơ có tính lí luận. 

+ Lưu ý về trích dẫn trong tác phẩm nào, tác giả nào. 

+ Cần biết cách chuyển hóa sao cho “khớp” với đề, diễn đạt tinh tế để không rơi vào cách viết “lắp ghép” sống sượng, khô khan.

- Ví dụ: 

Nếu ngày mai em không làm thơ nữa

Cuộc sống trở về bình yên

Ngày nối nhau trên đường phố êm đềm

Không nỗi khổ, không niềm vui kinh ngạc…

(“Nếu ngày mai em không làm thơ nữa”, Xuân Quỳnh)

     Xuân Quỳnh đã từng băn khoăn về cái lẽ: liệu một ngày nào đó, thơ ca rời bỏ cuộc đời, cuộc sống và con người sẽ ra sao? Xưa, Hoài Thanh có một niềm tin chắc chắn rằng thơ ca có một “sức quảng đại” giúp kết nối thế giới và thế hệ. Nhưng nay, đứng trước những nguy cơ về sự ra đời của công nghệ, sự lên ngôi của truyền thông, sự trị vì của “kiểu sống 4.0”, liệu người ta còn đọc văn, thưởng thức văn, còn tôn thờ văn như một thứ tôn giáo vĩ đại? Xuân Quỳnh ơi, câu hỏi đó không chỉ riêng cô, mà là câu hỏi chung cho tất cả những người viết, những người đọc về vị thế và vai trò của văn chương trong thời đại mới. 

3. Mở bài bằng một tin tức “thời sự văn học”:

- Điều này nghĩa là, bạn sẽ sử dụng một tin tức liên quan đến đời sống nghiên cứu, phê bình, sáng tác, tiếp nhận trong giai đoạn hiện nay. 

- Yêu cầu đặt ra:

+ Bạn phải thường xuyên đọc, cập nhật tình hình đời sống văn học để luôn kịp thời nắm bắt những diễn biến, sự kiện mới mẻ, thời sự. 

+ Bạn cần chuyển hóa một cách thông minh, xác tín, sao cho phù hợp với yêu cầu của đề. 

- Ví dụ: 

     Chắc hẳn chúng ta còn nhớ, cách đây 3 năm, đề xuất bỏ tác phẩm Chí Phèo ra khỏi sách giáo khoa của Nghiên cứu sinh, TS. Nguyễn Sóng Hiền tại Đại học Newcastle (Australia) đã gây ra không ít tranh cãi. Trong bài viết, tác giả Sóng Hiền đã nêu ra những lý do vì sao Chí Phèo là một tác phẩm không phù hợp với các bạn trẻ. Sóng Hiền đặt ra câu hỏi: “Chí là người tốt hay người xấu? Và Chí có nên cưỡng hiếp Thị Nở?”. Nhưng hỡi ôi, hai tiếng văn chương sao mà lắm rối bời! Góc nhìn của vị tiến sĩ này dường như chỉ mới “chủ quan hóa” soi xét một góc độ của tác phẩm, và chưa khai thác chiều sâu tính nhân văn của tác phẩm này. Nam Cao dù có được một phép màu để “bật dậy” từ nấm mồ đi chăng nữa chắc hẳn cũng sẽ cảm thấy buồn và âu lo cho kiểu tiếp nhận này. Vậy câu hỏi đặt ra ở đây, tiếp nhận văn học - người đọc cần “đọc” như thế nào để hiểu được hồn cốt của tác phẩm? Tôi bắt gặp điều này trong ý vị của [...]


Nguồn: admin GÁC VĂN (@hsgqgnguvan) - Đặng Văn Quang
Blog Instagram: https://www.instagram.com/hsgqgnguvan/

Vui lòng trích dẫn nhớ ghi rõ nguồn!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến